- Sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, đến nay người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa nhận được tiền đến bù. Vì sao thưa ông?
- Người dân đang mong chờ điều này, chúng tôi cũng rất trăn trở, nhưng việc kê khai thiệt hại gồm rất nhiều thủ tục phức tạp, chưa kể trong quá trình đó còn phát hiện thêm đối tượng cần bổ sung.
Hơn tuần qua, các Bộ đã làm việc liên tục, Bộ Tài chính chủ trì trình dự thảo định mức giá, nếu được Thủ tướng phê duyệt, 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sẽ tính con số đền bù cụ thể dựa vào mức giá đó, rồi đưa Bộ Tài chính thẩm định lần nữa và trình lên Thủ tướng. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì khả năng đầu tháng 10, Bộ Nông nghiệp sẽ chuyển tiền cho người dân.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám. Ảnh: T.N |
- Làm thế nào để việc đền bù đảm bảo công bằng, đúng người, đúng mức độ thiệt hại, không để tình trạng kê khai khống, thưa ông?
- Bộ đã có văn bản hướng dẫn, trong đó sự phân loại các nhóm đối tượng bị thiệt hại. Đồng thời nêu rõ kê khai, thống kê, đánh giá thiệt hại phải được tổ chức chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật. Quá trình đó phải có sự tham gia của đoàn thể, giám sát xã hội. Ngoài ra từ thôn đến xã đều thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại cơ sở, niêm yết công khai để người dân giám sát.
"Người tiêu dùng có thể an tâm ăn hải sản"
- Theo Bộ Y tế, hải sản tầng đáy vùng trong 20 hải lý chưa an toàn, Bộ nông nghiệp có biện pháp gì để kiểm soát ngư dân không đánh bắt ở vùng này?
- Bộ đã có công văn yêu cầu ngư dân không khai thác cá tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào và khu vực được Bộ Tài nguyên Môi trường cảnh báo là chưa an toàn.
Bộ cũng khuyến cáo ngư dân đang làm các nghề khai thác hải sản tầng đáy chuyển đổi sang khai thác hải sản tầng nổi. Ngoài ra, Bộ còn huy động lực lượng kiểm ngư phối hợp với lực lượng thanh tra thủy sản, bộ đội Biên phòng các địa phương để tăng cường kiểm soát khai thác thủy sản vùng biển từ 20 hải lý trở vào ở các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Nếu ngư dân ý thức thực hiện nghiêm các quy định trên, cùng với việc giám sát từ cơ quan chức năng thì chắc chắn không có hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào, các hải sản khai thác từ bến hiện nay đều an toàn.
Thứ trưởng Nông nghiệp cho rằng gười dân có thể ăn hải sản khai thác ở tất cả vùng biển Việt Nam. Ảnh: Tuấn Sơn. |
- Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hải sản tầng đáy trong 20 hải lý, nên nhiều người chưa yên tâm. Ông có lời khuyên gì cho họ?
- Thực tế sau sự cố môi trường Formosa thì tầng đáy gần như không còn hải sản nữa. Vì vậy cá khai thác đưa lên bờ là sản phẩm an toàn. Người tiêu dùng có thể an tâm ăn hải sản bán không chỉ riêng 4 tỉnh miền Trung mà trên cả nước.
- Nếu tất cả đã an toàn thì sao địa phương đang có kế hoạch phát tờ rơi về 154 loài cá ở tầng đáy không nên ăn? Và lý do gì Bộ lại khuyến cáo không khai thác tầng đáy ở vùng trong 20 hải lý?
- Đó là việc làm khá thận trọng. Viện nghiên cứu hải sản thuộc Bộ Nông nghiệp cung cấp danh sách cá thường sống ở tầng đáy để người dân và nhà quản lý nắm được, chứ thực ra không nói đó là những loài cá không ăn được, bởi cá sống ở tầng đáy có khi lại bơi nổi. Như tôi nói ở trên, cá tầng đáy cũng không còn để mà khai thác.
Do nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái khu vực 20 hải lý trở vào đang phục hồi, nên Bộ khuyến cáo bà con không sử dụng các ngư cụ khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển trên.
- Vậy bao giờ ngư dân có thể khai thác hải sản tầng đáy?
- Khi nào Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố biển sạch hoàn toàn, Bộ Y tế lấy mẫu theo tần suất và công bố an toàn, cùng sự giám sát không cho khai thác tầng đáy của Bộ Nông nghiệp thì khi đó mới có thể đưa ra kết luận.
Hỗ trợ ngư dân đóng tàu đi xa bờ
- Ngư dân mong gắn bó với nghề đi biển, nhưng với quy định chưa được đánh bắt vùng đáy trong 20 hải lý, nhiều người không đủ vốn đóng tàu công suất lớn để ra khơi. Bộ có chính sách hỗ trợ thế nào?
- Trong đề án tổng thể đã có có chính sách, cụ thể như các chủ tàu cá có tàu không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90 CV, được vay vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400CV.
Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Về hạn mức, lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức là vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm.
- Việc hỗ trợ ngư dân có nguyện vọng xuất khẩu lao động ở nước ngoài (theo nghề đánh bắt hải sản) được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ưu tiên theo các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển, và gắn với sinh kế từ biển khi đủ điều kiện. Các thị trường tập trung ưu tiên là ngư nghiệp tại Hàn Quốc, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ tại Thái Lan.
Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, họ sẽ trở thành lao động có tay nghề cao, Bộ sẽ có kế hoạch phát triển và sử dụng nguồn lực lao động này sau khi họ kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài, trở về nước.
Mong muốn và trách nhiệm của chúng tôi là không để ngư dân bị đói và không có thu nhập.
Đăng nhận xét